Top 5 Trang Web Giúp Bạn Học Tập Tại Nhà Hiệu Quả Hơn

Thứ hai - 29/05/2023 20:49
Kỹ sư Henry Ford từng nói: “Anyone who stops learning is old, whether at twenty or eighty. Anyone who keeps learning stays young”.

 

Kỹ sư Henry Ford từng nói: “Anyone who stops learning is old, whether at twenty or eighty. Anyone who keeps learning stays young”. Đại ý rằng bất kỳ ai ngừng học hỏi đều trở nên già cỗi, dù là ở độ tuổi 20 hay 80, và những ai không ngừng học hỏi đều sẽ mãi tươi trẻ. Học hỏi những điều mới mỗi ngày chính là chìa khóa giúp chúng ta luôn giữ được tinh thần lạc quan, giàu năng lượng. Nhất là trong thời kỳ đại dịch, với nhiều nỗi lo lắng và áp lực cùng những thay đổi mà con người dần phải thích nghi. “Học tập từ xa” hay “làm việc tại nhà” là những cụm từ không còn quá xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, thật khó để nâng cao năng suất học tập hay giữ tập trung cao độ khi làm việc tại nhà. Đặc biệt là khi đại dịch COVID 19 diễn ra, chúng ta ở nhà nhiều hơn, và phải nghĩ cách làm sao để thúc đẩy bản thân. Bạn có từng vật lộn vì không biết tìm kiếm tài liệu ở đâu, muốn học một ngoại ngữ mới thì lên website nào, làm sao để tập trung khi ở nhà. Đừng lo, 5 website hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề đó.  

1. Coursera

Địa chỉ trang web: https://www.coursera.org/

Coursera là một nền tảng giáo dục trực tuyến do hai giáo sư khoa học máy tính của Đại học Standford ra mắt vào năm 2012. Ưu điểm của nền tảng này đó là giao diện dễ sử dụng, tính năng độc đáo cùng nội dung chất lượng với hàng ngàn khóa học từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới, trải dài trên nhiều lĩnh vực như Khoa học dữ liệu, Kinh doanh, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ và văn hóa,...Nếu bạn muốn bắt đầu học một ngôn ngữ mới một cách bài bản, hoặc muốn rèn lại tiếng Anh của mình, hãy thử ghé qua Coursera nhé. Khi truy cập vào trang web, chúng ta có thể thấy một giao diện tối giản, màu sắc hài hòa, không khiến người học bị rối mắt. Thiết kế đơn giản giúp cho chúng ta có thể tập trung vào nội dung bài học tốt hơn. Nền tảng Coursera bao gồm các khóa học miễn phí và tính phí, ngoài ra còn có những khóa học mang tính chuyên sâu về một số chuyên ngành. Đối với các khóa học tính phí, ngoài cơ hội được tiếp thu những kiến thức bổ ích, bạn còn có cơ hội được cấp chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ xin việc nữa đấy!.

 

2. Z library

Địa chỉ trang web:  https://z-lib.org/

Z library là một trong những thư viện e-book miễn phí lớn nhất thế giới với hơn 8 triệu đầu sách, và hơn 80 triệu bài tạp chí thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nghệ thuật, Nhiếp ảnh, Kinh doanh, Đầu tư, Máy tính, Internet, Du lịch, Văn học, Lịch sử, Luật Môi trường, Kỹ thuật, Công nghệ, Triết học, Tâm lý học,… Ưu điểm lớn nhất của trang web này đó là cho phép chúng ta được tải xuống tài liệu với nhiều định dạng hoàn toàn miễn phí. Đây thực sự là một là một kho sách khổng lồ cho chúng ta thỏa sức khám phá, một trang web “ruột” cho những người tự học, đam mê tìm tòi. Ngoài ra, chúng ta có thể kết nối với Kindle để tiện lợi cho việc đọc và nghiên cứu. Ở đây, bạn có thể tìm thấy vô vàn đầu sách hay với các chuyên ngành đa dạng, ngoài ra bạn cũng có thể đọc được những bài báo, tạp chí học thuật thú vị phục vụ học tập và nghiên cứu. 

3. Quizlet 

Địa chỉ trang web: https://quizlet.com/

Trong quá trình học tập, có bao giờ bạn cảm thấy học một thứ gì đó mới thì thật hào hứng và thú vị nhưng để ghi nhớ chúng thì thật khó khăn? Học mãi mà không vào, “học trước quên sau”, kiến thức “trôi dạt” không đọng lại được nhiều. Nhưng chúng ta cũng đừng lo lắng quá, việc quên là một điều hết sức bình thường. Bộ não của chúng ta cũng giống như cơ bắp, cần phải được luyện tập thường xuyên để có thể ghi nhớ những gì cần thiết. Bản thân người viết trong quá trình học các kiến thức chuyên ngành hay học ngoại ngữ cũng cảm thấy khó khăn với việc ghi nhớ. Và Quizlet thực sự là một “thiên thần” cứu rỗi chúng ta trong giai đoạn khó khăn này.  Đây là một công cụ hữu ích giúp chúng ta ghi nhớ các khái niệm hay thuật ngữ khó nhằn, ghi nhớ từ mới khi học ngoại ngữ. Trang web này sử dụng phương pháp Flashcard, nghĩa là ghi nhớ bằng các thẻ thông tin. Phương pháp này giúp người học dễ dàng ghi nhớ và luyện tập lại khi cần, giúp cho việc học thuận tiện và hiệu quả hơn. Quizlet cho phép người học tự tạo bộ học phần cho riêng mình và có thể chia sẻ bộ flashcard của mình cho người khác. Điều này thúc đẩy tinh thần học nhóm, giúp việc học thú vị hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tìm kiếm những flashcard phù hợp trong kho dữ liệu khổng lồ chứa hàng trăm ngôn ngữ của Quizlet do những người dùng khác tự tạo và chia sẻ. Với phiên bản trả phí, chúng ta sẽ được tiếp cận nhiều tính năng hơn ví dụ như loại bỏ quảng cáo khi học, truy cập ngoạit uyến, tạo hoặc tham gia lớp học không giới hạn.


4. The Pomodoro Tracker 

Địa chỉ trang web: https://pomodoro-tracker.com/

Nếu bạn là người quan tâm đến các phương pháp quản lý thời gian, rất có thể bạn đã nghe qua phương pháp Pomodoro hay còn gọi là Pomodoro technique. Hiểu đơn giản, đây là một phương pháp làm việc tập trung vào một trong một khoảng thời gian nhất định rồi sau đó nghỉ ngơi. Khoảng thời gian thông thường sẽ là 25 phút học hay làm việc tập trung, sau đó là 5 phút nghỉ ngơi. Lợi ích của phương pháp này là giúp chúng ta tránh sao nhãng, từ đó nâng cao hiệu quả công việc cũng như cân bằng giữa học tập, làm việc và nghỉ ngơi. Trang web The Pomodoro Tracker được thiết lập để hỗ trợ bạn áp dụng phương pháp này trong học tập hay công việc. Ở đây đã có sẵn màn hình đồng hồ với 25 phút làm việc và 5 phút nghỉ. Ngoài ra bạn cũng có thể viết ra những việc mình cần làm vào mục “Short description”, để tránh bị quên hay lỡ việc. Hiện nay, The Pomodoro Tracker đã có phiên bản ứng dụng tiện lợi trên điện thoại.

5. Google Scholar 

Địa chỉ trang web: https://scholar.google.com/

Chúng ta đều đã rất quen thuộc với công cụ tìm kiếm Google. Có một câu nói vui đó là: “Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Google”. Nếu biết sử dụng một cách hợp lý và có kiểm soát, biết chọn lọc thông tin và nguồn tài liệu thì Google thực sự là một trường học với kho tàng kiến thức khổng lồ. Nhưng các bạn đã biết đến “người em” Google Scholar chưa? Đây cũng là một công cụ tìm kiếm tương tự Google xuất hiện lần đầu năm 2004. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tại đây, chúng ta có thể tìm kiếm những bài viết học thuật chuyên sâu, những bài báo, tạp chí hay những công trình nghiên cứu khoa học uy tín. Nếu bạn là một sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, hay một nghiên cứu sinh đang tìm hiểu về lĩnh vực của mình, nhất định bạn không thể bỏ qua trang web hữu ích này.

Trên đây là 5 trang web hỗ trợ đắc lực cho việc học tại nhà. Dù bạn là học sinh sinh viên, hay một người đã đi làm nhưng muốn cải thiện kỹ năng, trau dồi thêm kiến thức cho bản thân, bạn hoàn toàn có thể tham khảo những trang web này để nâng cao hiệu quả công việc, cũng như giữ cho mình luôn tươi trẻ bằng cách học điều mới mỗi ngày. Thay vì để bản thân bị sao nhãng bởi màn hình điện thoại hay máy tính, xem những video giết thời gian trên Tiktok hay Youtube, hay lướt Facebook/Instagram trong vô định, tại sao chúng ta không tận dụng chúng để làm những việc có ích hơn. Việc thay đổi hoàn toàn trong một đêm là điều quá sức, hãy làm “kế hoạch nhỏ”,  viết ra cụ thể từng bước một, từ đó chung ta sẽ tiến xa và nhận thấy bản thân mình tốt hơn như thế nào sau một khoảng thời gian nhìn lại.


  Ý kiến bạn đọc

Video - Sự kiện
Kết nối
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây